Kiểm soát xe quá tải trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thế nào?
Kiểm soát 100% xe quá tải vào cao tốc
Hệ thống kiểm soát xe quá tải là một thành phần của hệ thống giao thông thông minh (ITS) của cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính VN (VIDIFI) đầu tư và đưa vào vận hành khai thác từ năm 2015.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Quản lý vận hành, Công ty TNHH Một thành viên quản lý đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho biết, ngay từ khi cao tốc Hà Nội-Hải Phòng triển khai xây dựng, VIDIFI đã xác định, tuyến đường này sẽ thường xuyên đón xe trọng tải lớn lưu thông, phục vụ Cảng quốc tế Hải Phòng và các khu công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Hệ thống kiểm soát tải trọng xe được lắp đặt tại trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để kiểm soát xe quá tải
Để bảo vệ, tránh hư hỏng mặt đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, ở các trạm thu phí đầu vào cao tốc và trạm kiểm tra tải trọng độc lập tại nút giao Đình Vũ đã được trang bị hệ thống kiểm tra tải trọng xe tự động, lắp âm dưới mặt đường.
Hệ thống góp phần nâng cao công tác quản lý, vận hành và khai thác tuyến đường, đặc biệt là kiểm soát phương tiện quá tải, đảm bảo ATGT, bảo vệ kết cấu hạ tầng. Sau gần 9 năm, hệ thống kiểm soát xe quá tải đã thực hiện hơn 34 triệu lượt kiểm tra tải trọng, phát hiện và từ chối hơn 71 nghìn trường hợp vi phạm.
Hệ thống cân được áp dụng công nghệ cảm biến thạch anh, giúp quá trình cân xe được thực hiện nhanh chóng với độ chính xác lên tới 97%. Nhờ tự động hoàn toàn nên xe quá khổ, quá tải được kiểm tra 24/24h, trong mọi điều kiện thời tiết, bảo đảm kiểm soát xe quá tải trước khi vào cao tốc. Dữ liệu kiểm tra tải trọng xe sẽ được truyền thẳng về trung tâm điều hành với quả tải bao nhiêu, biển số xe.
Khi phát hiện xe vi phạm, phương tiện sẽ bị từ chối phục vụ và được hướng dẫn ra khỏi đường cao tốc bằng hệ thống đường dẫn riêng. Ngoài ra, dữ liệu cũng được gửi đến lực lượng chức năng làm căn cứ xử phạt.
"Nhằm bảo đảm 100% phương tiện lưu thông trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đều được kiểm tra tải trọng, các thiết bị cân xe được bố trí tự động, cho kết quả chính xác. Qua đó, góp phần tăng tính răn đe với các hành vi vi phạm, đảm bảo công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng và giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông do phương tiện quá khổ quá tải gây ra", ông Tùng chia sẻ.
Hiệu quả cân tự động
Cùng với kiểm soát tải trọng từ đầu nguồn hàng, việc sớm đầu tư hệ thống kiểm tra tải trọng trên các tuyến cao tốc đang được Bộ GTVT tích cực đầu tư nhằm bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, đảm bảo ATGT trong bối cảnh xe quá tải vẫn chưa triệt để.
Theo quy định tại Nghị định 32/2014 về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc, Bộ GTVT đã thống nhất chủ trương về phương án đầu tư xây dựng và khai thác hệ thống kiểm tra tải trọng trên các tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
GS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT cho rằng, mặc dù xe quá tải đã giảm sâu, nhưng đây vẫn là vấn đề nhức nhối trên một số tuyến từ tỉnh lộ, quốc lộ cho đến đường cao tốc. Nhiều tài xế sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để trốn tránh kiểm tra.
"Việc xe quá tải trọng lưu thông trên các tuyến đường bộ sẽ gây hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng cho các công trình. Cùng với kiểm soát tải trọng từ đầu nguồn hàng, kiểm tra lưu động, việc nghiên cứu và sớm đầu tư hệ thống kiểm tra tải trọng trên các tuyến cao tốc là cần thiết để bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ và đảm bảo an toàn giao thông", ông Sùa nói.
Bộ GTVT cho hay, việc sớm tổ chức đầu tư xây dựng hệ thống kiểm tra tải trọng trên các tuyến cao tốc, giúp kiểm soát, ngăn ngừa tối đa việc xe quá tải lưu thông, nâng cao hiệu quả đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia, giảm bớt chi phí bảo trì cho ngân sách nhà nước.
Từ đây, Bộ GTVT đã đồng ý với đề xuất sử dụng hệ thống cân tự động trên các tuyến cao tốc hoạt động được ở tốc độ thấp và tốc độ cao, đạt cấp chính xác tối thiểu F10 theo quy định của pháp luật về đo lường và đáp ứng quy định tại quy chuẩn về trạm kiểm tra tải trọng xe.
Khi xe qua hệ thống cân, nếu phát hiện quá tải sẽ được thông báo hiển thị tự động trên màn hình điện tử, lái xe có trách nhiệm đưa xe ra khỏi đường cao tốc thông qua tuyến nhánh rẽ phải xuống đường gom hoặc đường nhánh được đầu tư xây dựng dành riêng cho xe quá tải bị từ chối cung cấp dịch vụ đi lại trên đường cao tốc.
Bộ GTVT giao Cục Đường bộ VN quản lý, bảo trì, vận hành, khai thác các hệ thống kiểm tra tải trọng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Phối hợp với các cơ quan nghiên cứu đầu tư hệ thống kiểm tra tải trọng đối với các tuyến cao tốc đầu tư bằng ngân sách nhà nước đã hoàn thành đưa vào sử dụng bằng nguồn kinh phí bảo trì công trình.
Cùng đó, tiến tới liên thông dữ liệu để làm căn cứ xử phạt, bổ sung, nâng cấp, đảm bảo việc kết nối các hệ thống kiểm tra tải trọng với cơ sở dữ liệu đăng kiểm. Khi hệ thống cân tự động trên các tuyến cao tốc đưa vào sử dụng sẽ sẵn sàng để đáp ứng yêu cầu trích xuất dữ liệu xử lý vi phạm.